Các loại hình doanh nghiệp hợp pháp ở Việt Nam khá đa dạng. Chính vì vậy, để có thể chọn được loại hình phù hợp với tình hình thực tại và định hướng phát triển, người chủ doanh nghiệp cần nắm vững đặc điểm cùng ưu và nhược điểm của từng loại hình kinh doanh này.
Doanh nghiệp là gì chắc hẳn các bạn cũng đã biết, vậy bạn có biết loại hình doanh nghiệp là gì? Việt Nam có bao nhiêu loại hình doanh nghiệp và mỗi loại hình có những đặc điểm gì cũng như ưu nhược điểm của nó. Dưới đây là nội dung phân tích chi tiết của các loại hình kinh doanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay dựa trên Luật doanh nghiệp 2014.
Các loại hình doanh nghiệp
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
- Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chủ sở hữu duy nhất của các loại hình doanh nghiệp này là một cá nhân.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác làm giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
- Doanh nghiệp tư nhân vẫn có Mã số thuế, con dấu tròn doanh nghiệp và vẫn được quyền in và phát hành các loại hóa đơn, thực hiện các chế độ kế toán hiện hành theo luật doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không có điều lệ công ty.
Tên Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
Ưu điểm
– Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất nên các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều do người chủ sở hữu này hoàn toàn quyết định.
– Sự tin tưởng cho đối tác được tạo nên bởi chế độ trách nhiệm vô hạn và giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc bởi pháp luật như so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Khuyết điểm
– Loại hình Doanh nghiệp tư nhân này không có tư cách pháp nhân.
– Khi gặp rủi ro thì các chủ doanh nghiệp tư nhân này phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp chứ không chỉ giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kể cả khi thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp.
Xem thêm so sánh các loại hình doanh nghiệp
CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN
- Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được pháp luật thừa nhận.
- Chủ sở hữu công ty và công ty là hai thực thể pháp lý riêng biệt. Trước pháp luật, công ty là pháp nhân, chủ sở hữu công ty là thể nhân với các quyền và nghĩa vụ tương ứng với quyền sở hữu công ty.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp có không quá 50 thành viên cùng góp vốn thành lập và công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác trong phạm vi nghĩa vụ tài sản của công ty.
Tên công ty tnhh tại Việt Nam
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp, trong đó:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty);
- Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là doanh nghiệp, trong đó:
- Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá năm mươi;
- Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
Ưu điểm
– Rủi ro cho người góp vốn thấp vì đây là loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào.
– Việc điều hành, quản lý công ty không quá phức tạp vì số lượng thành viên không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau.
– Các nhà đầu tư có thể dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên nhờ chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ góp phần hạn chết người lạ thâm nhập vào công ty.
Nhược điểm
– Uy tín bị ảnh hưởng trước các đối tác, bạn hàng vì đây là loại hình có chế độ trách nhiệm hữu hạn.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
– Không có quyền phát hành cổ phiếu, các công ty tnhh này bị hạn chế trong việc huy động vốn.
CÔNG TY CỔ PHẦN
- Công ty cổ phần là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó.
- Vốn của công ty được chia nhỏ thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần và được phát hành huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ưu điểm
– Nhà đầu tư chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn tương ứng với tỷ lệ góp vốn trong công ty;
– Quy mô hoạt động lớn và khả năng mở rộng kinh doanh dễ dàng từ việc huy động vốn cổ phần;
– Nhà đầu tư có khả năng điều chuyển vốn đầu tư từ nơi này sang nơi khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác dễ dàng thông qua hình thức chuyển nhượng, mua bán cổ phần;
– Việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao do tính độc lập giữa quản lý và sở hữu.
Nhược điểm
– Mức thuế tương đối cao vì ngoài thuế mà công ty phải thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, các cổ đông còn phải chịu thuế thu nhập bổ sung từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần theo quy định của luật pháp;
– Chi phí cho việc thành lập doanh nghiệp khá tốn kém;
– Khả năng bảo mật kinh doanh và tài chính bị hạn chế do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông;
– Khả năng thay đổi phạm vi lĩnh vực kinh doanh cũng như trong hoạt động kinh doanh không linh hoạt do phải tuân thủ theo những quy định trong Điều lệ của công ty, ví dụ có trường hợp phải do Đại hội đồng Cổ đông của Công ty Cổ phần quyết định.
CÔNG TY HỢP DANH
1. Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp mà trong đó:
- Chủ sở hữu chung của công ty phải có ít nhất 2 thành viên, thành viên hợp danh cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh thì công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Ưu điểm
– Công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân. Với các loại hình doanh nghiệp này, có thể kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người (Các thành viên công ty) để tạo dựng hình ảnh cho công ty.
– Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm không thời hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
– Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.
Nhược điểm
Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm không thời hạn đối với hoạt động kinh doanh của công ty nên mức độ rủi ro về vốn là rất cao. Chính vì vậy, trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, hầu hết các nhà kinh doanh đều lựa chọn thành lập loại hình công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Vậy loại hình doanh nghiệp là các hình thức mà doanh nghiệp tồn tại trong nền kinh tế hiện nay , tùy thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân/tổ chức muốn khởi nghiệp, kinh doanh , buôn bán cũng như số vốn mà lựa chọn loại hình phù hợp với đặc điểm , chiến lược kinh doanh của mình.
Qua các loại hình doanh nghiệp đã được nêu trên, ta có thể thấy:
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, loại hình công ty cổ phần thường phù hợp hơn với những công ty yêu cầu vốn lớn, hoạt động trên quy mô rộng.
Xem thêm: Phân biệt công ty TNHH và công ty cổ phần
Xem thêm: Phân biệt công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân
Đối với công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân do có chế độ trách nhiệm vô hạn nên thường mang lại rủi ro lớn cho chủ doanh nghiệp, các thành viên hợp danh. Hai loại hình công ty này không có tư cách pháp nhân nên gặp bất lợi trong các hoạt động kinh doanh thương mại so với chủ thể kinh doanh khác.